Giá niken “rồ ga lên dốc” khi liên tục phá đỉnh, từ 30.000 USD/tấn lên cán mốc 100.000 USD/tấn chỉ trong vài ngày. Thị trường xe điện toàn cầu đang đứng trước thách thức do niken là thành phần quan trọng để sản xuất pin cho ôtô.
Giá niken tăng điên cuồng, sàn giao dịch lập tức “rút phích”
Giá cả trên thị trường hàng hoá đã trải qua những phiên giao dịch hỗn loạn. Thông thường như mọi ngày, những nhà giao dịch niken sẽ chỉ nhìn thoáng qua bảng giá khi nhâm nhi cốc cafe trên đường tới văn phòng. Nhưng hôm đó, cả thị trường đã phải nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính để theo dõi biến động của giá hàng hóa.
Giá niken trong các phiên giao dịch thường chỉ biến động vài trăm USD/tấn. Suốt một thập kỷ qua, giá bán kim loại này chỉ trong biên độ 10.000 – 20.000 USD/tấn.
Giá niken đã có thời điểm bứt phá, tăng vọt 66% lên hơn 48.000 USD/tấn. Những nhà giao dịch hoang mang tột độ khi nhìn vào bảng điện tử, cảm giác sợ hãi và bất ngờ đan xen.
Chưa dừng lại ở đó, giá niken tiếp tục gây choáng váng khi tăng vọt thêm 30.000 USD chỉ sau vài phút. Hơn 6h sáng, chưa tới 20 phút sau khi vượt đỉnh lịch sử, kim loại này đã cán mốc 100.000 USD/tấn.
Người đứng đầu một công ty môi giới kim loại tại London không khỏi choáng váng khi nhớ lại cảnh tượng thị trường hỗn loạn. Ngay lúc đó ông đã nhận ra đà tăng của niken sẽ tác động thế nào đến công ty, thị trường và cả ngành kim loại toàn cầu.
“Đây là 18 phút ám ảnh cuộc đời tôi”, ông nói.
Giá niken tăng đột biến 250% trong vòng chưa đầy 24 giờ đã đẩy ngành kim loại này vào trạng thái căng thẳng, gây thiệt hại hàng tỉ USD cho các nhà giao dịch đặt cược ngược chiều. Sàn giao dịch kim loại London (LME) thậm chí phải ngừng giao dịch lần đầu tiên sau ba thập kỷ. Hiện sàn này vẫn chưa thông báo ngày giao dịch niken trở lại.
“Biến động giá đã tạo ra rủi ro hệ thống cho thị trường”, LME cho biết. Sàn giao dịch này bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về khả năng những người tham gia thị trường có thể bị call margin và tăng nguy cơ vỡ nợ.
LME đã đưa ra một quyết định gần như chưa từng có tiền lệ. Sàn này đã hủy tất cả các giao dịch diễn ra vào sáng 8.3 với quy mô khoảng 3,9 tỉ USD theo tính toán của trang Bloomberg.
Âm mưu của tài phiệt và tác động từ xung đột Nga Ukraine
Đà phá đỉnh của niken phần lớn được thúc đẩy bởi hoạt động “ép mua” (short squeeze) tập trung vào nhà tài phiệt Trung Quốc Xiang Guangda, người đã đặt cược lớn vào giá niken sẽ giảm.
Sức ép khi giá hàng hóa tăng cao khiến các nhà giao dịch mở vị thế bán ở trong tình hình tài chính khó khăn. Nó đã buộc họ hoặc các nhà môi giới và ngân hàng thay mặt họ phải đóng vị thế, khiến giá có thể tăng cao hơn nữa. Những người khác trên thị trường cũng có thể đẩy giá lên với dự đoán này. Đà tăng điên cuồng của giá niken được so sánh với tình trạng “ép mua” đã xảy ra với các cổ phiếu meme như GameStop trong năm 2021.
Bên cạnh đó, xung đột Nga – Ukraine đã siết chặt nguồn cung niken, nhôm và dầu thô trên thế giới vì Nga là nước xuất khẩu phần lớn các nguồn tài nguyên này. Tổng sản lượng quặng niken của Nga chiếm 11% nguồn cung toàn cầu, trong đó niken nguyên chất chiếm 20%.
Giá nhôm và dầu thô lao dốc khi giá niken liên tục chinh phục đỉnh mới và cuối cùng đã bị đình chỉ giao dịch.
Tuy nhiên, niken cũng không hề rẻ ngay cả trước vụ việc Nga – Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo trang CNBC, các chuyên gia đã lo ngại về khả năng khan hiếm niken khi các nhà sản xuất toàn cầu tăng tốc độ sản xuất xe điện.
Theo đó, niken là một thành phần quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion. Loại pin này được sử dụng trong hầu hết các loại xe ôtô điện (EV) đang được bán rộng rãi trên toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ…
Theo Đức Mạnh (báo Lao động)