Theo CNBC, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết thị trường quặng sắt đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt trong thời gian còn lại của năm do tồn kho thấp và sản lượng giảm.
Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Goldman Sachs cho biết: “Thay vì phải đối mặt với dư thừa trong năm nay, thị trường quặng sắt hiện đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng thâm hụt rõ ràng”.
Các nhà phân tích lưu ý rằng mức độ chi tiêu tài chính gần đây của Bắc Kinh có thể là một dấu hiệu tích cực về tâm lý tăng trưởng trong nước, thường gắn liền với ngành xây dựng lành mạnh hơn. Do đó, nhu cầu quặng sắt – nguyên liệu thô cho sản xuất thép, cao hơn.
Vào cuối tháng 10, Trung Quốc cho biết họ sẽ phát hành thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (139 tỷ USD) để hỗ trợ tái thiết các khu vực bị thiên tai và tăng cường khả năng cứu trợ thiên tai của đất nước.
Tuy nhiên, Goldman vẫn thận trọng khi đưa ra quá nhiều nhận định lạc quan về sự gia tăng nhu cầu thép do lĩnh vực bất động sản vẫn đang gặp khó khăn. Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc là một trong những trở ngại lớn nhất trong nỗ lực đạt được sự phục hồi kinh tế bền vững.
Nguồn cung bị suy giảm, hàng tồn kho thấp
Các nguyên nhân khác dẫn đến thâm hụt nguồn cung quặng sắt bao gồm nguồn cung ít hơn từ các nhà sản xuất quặng sắt hàng đầu thế giới là Australia và Brazil.
Goldman Sachs ước tính nguồn cung quặng sắt toàn cầu vào năm 2023 đã giảm từ 1,56 tỷ tấn xuống còn 1,54 tỷ tấn.
Báo cáo cho biết: “Việc điều chỉnh giảm này phản ánh sự kém hiệu quả của nguồn cung ở cả Australia và Brazil trong quý III”.
“Đối với Brazil, các nhà phân tích của chúng tôi cho rằng hoạt động kém hiệu quả là do mỏ quặng sắt S11D của Vale gặp sự cố và sản lượng thấp hơn ở khu vực phía Nam”, ngân hàng nói thêm.
Tập đoàn Vale sở hữu mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới – Khu liên hợp khai thác mỏ Serra Norte.
Chỉ vài tuần trước, gã khổng lồ khai thác mỏ Brazil đã báo cáo sản lượng quặng sắt trong quý III giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái do lỗi hệ thống băng tải.
Ngoài ra, Goldman còn quan sát thấy tồn kho quặng sắt thấp ở Trung Quốc, nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, cũng góp phần vào sự thiếu hụt. Theo đó, lượng hàng tồn kho trong chuỗi cung ứng hiện ở mức thấp để chống lại rủi ro gián đoạn nguồn cung.
Lần dự báo này là sự đảo ngược so với nhận định trước đó của Goldman rằng thị trường sẽ thặng dư. Các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư này nâng dự báo giá quặng sắt lên tới hơn 20%.
Goldman hiện kỳ vọng mức giá quặng sắt loại 62%Fe trung bình cả năm 2023 sẽ tăng từ 101 USD/tấn lên 117 USD/tấn. Trong năm 2024, các nhà phân tích đang kỳ vọng mức tăng 22% so với dự báo trước đó của họ là 90 USD/tấn lên 110 USD/tấn.
Theo Reuters, giá quặng sắt tiếp tục tăng phiên thứ hai liên tiếp vào thứ Năm (9/11), do thị trường kỳ vọng chính phủ Trung Quốc tiếp tục tăng cường đưa ra các biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.
Hợp đồng quặng sắt giao trong tháng 1/2024 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc đã kết thúc giao dịch trong ngày tăng 1,8% ở mức 939 nhân dân tệ (128,89 USD)/tấn, cao nhất kể từ tháng 6/2022.
Chính quyền Trung Quốc mới đây đã yêu cầu Tập đoàn bảo hiểm Ping An nắm cổ phần kiểm soát tại Country Garden, nhà phát triển bất động sản tư nhân lớn nhất quốc gia.
Ngoài ra, lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung sau vụ tai nạn tại tập đoàn Vale đã hỗ trợ thêm cho giá quặng sắt. Hôm 8/11, Vale cho biết đã xảy ra hỏa hoạn trên một đoàn tàu chở hàng tuyến đường sắt Carajas ở bang Maranhao ở Brazil. Tập đoàn tuyên bố rằng đám cháy đã được dập tắt và cuộc điều tra đang được tiến hành, đồng thời nói thêm rằng hoạt động sản xuất hàng quý dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng.