Đi đâu đối tác cũng hỏi chúng tôi: cái này sao không mua dây chuyền công nghệ của nước … về mà làm?
Cũng đã giải thích nhiều rồi, nhưng muốn nói với đa số mọi người chưa hiểu. Việc chấp nhận mua dây chuyền công nghệ của nước khác là chạy theo cuộc chơi của họ. (1) là nhập máy móc của họ, (2) là nhân sự cấp cao của họ, (3) là nguyên liệu, hoá chất, phụ gia đầu vào của họ. Mình vì nhìn thấy đồng lãi ngắn hạn trước mắt (3-5 năm) mà làm thì chết.
Đương nhiên, đâu phải câu chuyện “học hỏi” dây chuyền là dễ, vì cả ba thứ (1), (2), (3) đều rất hiếm ở Việt Nam. Đã có nhiều câu chuyện xảy ra ở Việt Nam rồi, đối tác nước ngoài chỉ cần tước đi 1 trong 3 thứ là mọi thứ đổ bể hết. Từ đó sinh ra sự phụ thuộc, các công ty nào mà có mối quan hệ tốt thì sống, còn công ty nào chết thì nợ hết đống thiết bị đầu tư ban đầu, ít thì 100 tỉ.
Mọi người hỏi sao CAVICO phải tốn công sức, thời gian và tiền bạc, đầu tư thí nghiệm, sản phẩm từ 95%, đến 98%, đến 99%, phải tự gia công thiết bị máy móc bần hàn thế. Xin thưa, từ những thứ như thế, mình được hiểu về tại sao loại nguyên liệu này cần thiết, nếu không có thì phải mua thay thế cái gì. Máy móc thiết bị phần nào là quan trọng, có thể tự chế tạo được hay không. Từ tạp chất đến tinh khiết là cả 1 quá trình dài đằng đẵng.
Làm tất cả để làm gì? Là vì ước mơ: Việt Nam làm Chủ công nghệ. Lên mạng hẳn ai chẳng đọc được mấy câu: Việt Nam toàn mấy giáo sư, tiến sĩ giấy. Đâu ai biết từ những thứ nghiên cứu trên giấy đấy, ra đến sản xuất công nghiệp, chặng đường dài thế nào. Tôi làm việc với một bác đã nghiên cứu 20 năm công nghệ điện phân từ bùn thải công nghiệp. Họ tốn 20 năm cuộc đời rồi, chẳng lẽ, họ còn phải liều đầu tư thêm 100, 1000 tỉ để thực hiện hoá công nghệ? Không có những doanh nghiệp, những người trẻ tiếp bước ước mơ đấy, thì bao giờ nó thành hình? Trên đời có bao nhiêu loại nghiên cứu chuyên sâu, chứ đâu có phải nghiên cứu nào cũng làm được luôn. Bạn không thể so sánh nghiên cứu về Hố đen vũ trụ và Hạt nguyên tử, với nghiên cứu về làm chiếc máy gặt lúa được.
Có những nghiên cứu mấy đời người làm còn mơ hồ, còn có những cái giải quyết vấn đề ngay trước mắt. Nói lại, tôi muốn làm giàu, nhưng tham hơn, tôi muốn Việt Nam phải làm chủ công nghệ.
Quốc Anh