Đã thành thói quen từ lâu lắm rồi, tôi thường sống cùng anh em ở công trường nhiều hơn ở nhà với vợ con. Vậy mà, cũng hơn 1 năm nay chẳng được đi thăm công trường nhiều nữa, có tranh thủ thăm công trường thì cũng vội vàng mỗi nơi chỉ 1 ngày. Nhớ cuộc sống công trường lắm, nhớ anh em lắm!
Tôi nhớ lắm Sơn La mùa lạnh, những ngày cuối năm 99, tưởng những cơn gió mùa tràn về vùng núi đá tai mèo buốt giá đã đánh gục những chàng trai thành thị mới bỡ ngỡ phiêu dạt nơi vùng Tây Bắc. Khi đó, thiếu thốn đủ thứ, chỉ có thừa niềm tin và tình đồng đội, cái ngày ấy nếu chúng ta ngã thì sẽ không còn cơ hội đứng dậy, nhưng cái ngày đầu gian khó ấy lại cho chúng ta một lớp thanh niên xông pha trận mạc và đã trưởng thành. Nhiều bạn đã được về Hà Nội, nhiều bạn vẫn phải chinh chiến nơi tiền phương, nhiều bạn đã thành lãnh đạo, nhưng cũng còn nhiều bạn đang lặng lẽ tiến lên. Cám ơn tất cả các bạn – Công ty ngày càng lớn mạnh là vì chúng ta có một thế hệ thanh niên tràn đầy nhiệt huyết và trí tuệ song hành.
***
Tôi vừa đi 1 vòng Tây Nguyên về, tới thăm Hùng, Đức, Toàn, A Huyền…thăm mọi người ở Thủy điện PLEIKRONG được một buổi trưa. Đây là thế hệ thứ ba của Công ty, thế hệ này chắc chắn sẽ trưởng thành và nắm bắt công việc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 2 của công ty.
Quay về Thủy điện SESAN 3, lớp già nhưng mới trưởng thành như anh Chúc, anh Thân vẫn đang bám trụ tới cùng, quyết tâm hoàn thành cầu đúng tiến độ. Tôi cũng không kịp ngủ cùng các anh nói chuyện nước Mỹ trong rừng sâu như mọi ngày, phải đi về SESAN 3A và Vĩnh Sơn, tạm biệt các anh – những lão tướng nơi tiền tuyến.
Từ PLEIKU tới Vĩnh Sơn trong 4 tiếng hành quân dưới trời mưa mùa mịt, ra đón chúng tôi là An, Cường và Ngọc – với khuôn mặt bừng sáng. Buồn quá vì trời mưa mãi cả tuần rồi và ở quê hương anh hùng Núp lâu lắm mới thấy người Kinh tới chơi. Hai chàng trai ấy mới cưới vợ, nhưng vẫn bám trụ tới cùng trong rừng già sâu thẳm, nơi ánh sáng văn minh chỉ len lỏi, dập dìu qua kẽ lá vi vu. Điều đó đã nói lên tất cả. Rồi tôi lại chia tay mọi người để còn kịp về với Buôn Kuốp, Đại Ninh. Tạm biệt K’ Bang, tạm biệt quê hương anh hùng Núp, tạm biệt các chàng trai đang “tạm núp” ở đây…
Buôn Kuốp đang thời kỳ chuẩn bị, tôi đi gặp ban A, giao lưu và nghỉ ngơi. Buồn quá, cán bộ chưa vào, Xoán và Quế vẫn đang mải miết tại biên giới Việt Lào. A Lưới đang hoàn công.
Đại Ninh rộn ràng quá, Quang cùng anh em đi công trường mà được sống ở thị trấn, ngày nào cũng vui. Thế nhưng chẳng bao lâu nữa, văn phòng hiện trường xây xong là kéo nhau vào đó ở, dẫu sao cũng rất đàng hoàng vì đây là là công trường khá lớn. Chúng tôi có 1 buổi chiều thảnh thơi ở Đại Ninh, sau hành trình dài hơn 200km, anh em chúng tôi rủ nhau đi câu cá, mấy anh em chúng tôi hôm đó, ai cũng câu được vài con cá to cỡ 1,5kg trở lên…tất cả đều cảm thấy rất vui.
Sớm hôm sau, tôi lại tiếp tục hành trình đi thăm công trường của mình, tôi leo núi, cắt rừng xuống thăm Khánh cùng Ban Quản lý phần Hầm xả dưới Bình Thuận. Quãng đường đi khá khó khăn, khiến tôi mệt hệt như như leo chùa Yên Tử. Mệt là thế nhưng ai ai cũng phấn khởi, niềm hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt. Sau khi xuống xe ô tô, chúng tôi phải đi bộ thêm 1h nữa, rồi lại ngồi thùng xe công nông thì mới đến được đại ban doanh, cùng anh em ở công trường ăn bữa cơm, nói dăm ba câu chuyện vui vẻ và đầm ấm…Rồi lại tạm biệt, hẹn gặp các thanh niên công trường 1 ngày gần nhất… Ai cũng bịn rịn!
Bởi vì nỗi nhớ công trường, nỗi nhớ anh em, tôi đã thực hiện cuộc hành trình hơn 1 tuần lễ, rong ruổi trên những cung đường để đến thăm anh em cho thỏa lòng mình. Và để nhìn qua công trường cho thỏa dòng máu say mê của tôi đang sục sôi, da diết. Hơn 1 tuần đó, bỏ lại bộn bề công việc, tôi đi thăm anh em, thăm những công trường của CAVICO VN để tự nhớ lại những năm tháng tuổi trẻ của tôi gắn liền với công trường…Tạm biệt anh em công trường trên các nẻo đường của Tổ quốc, chúng ta sẽ gặp lại mững tủi ở những kỳ tổng kết cuối năm…ngày đoàn tụ của tập thể CAVICO Việt Nam vững mạnh!
(Một bài viết của Chủ tịch BMW – Trích từ Nội san 6/2004)